Kỹ thuật nuôi dúi thương phẩm

Mấy năm gần đây, dúi đã được bà con nông dân thuần hóa và đưa vào nuôi để lấy thịt.

kỹ thuật nuôi dúi lấy thịt

Trong bài viết này, Nông Dân Online xin chia sẻ cùng bà con về. Kỹ thuật nuôi và chăm sóc con dúi thương phẩm. Từ các bước chọn con giống, làm chuồng nuôi, cách cho dúi ăn đến thu hoạch. Mời mọi người cùng tham khảo cách làm nhé.

1. Thông tin về con dúi

Con Dúi có tên khoa học là Atherrurus macrourus, họ với nhím Hisricidae, bộ gặm nhấm Rodentica, nhóm thú. Dúi là loài gặm nhấm, sống chủ yếu ở những khu vực có rừng tre, rừng trúc.

Con Dúi có tên khoa học là Atherrurus macrourus

+ Hình dáng: Dúi trông gần giống chuột nhưng thân hình ngắn, mắt nhỏ, tai nhỏ, đuôi ngắn, chân ngắn và có móng vuốt. Trước đây dúi chỉ sống trong tự nhiên, được xếp vào loại đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Dúi sống chủ yếu ở rừng tre, tụ tập thành từng bầy, có con đầu đàn. Chúng tìm kiếm thức ăn vào ban đêm, ban ngày chủ yếu ngủ trong hang. Răng dúi rất khoẻ, thích hợp cho việc đào hang và gặm thức ăn.

+ Thức ăn của dúi: Trong tự nhiên, dúi chủ yếu ăn rễ và măng tre. Ngoài ra, chúng còn ăn các loại hạt, củ, quả, thân cây mía…

+ Sinh sản: Dúi được xếp vào loại ăn ít, đẻ nhiều. Mỗi năm dúi đẻ 4 lứa, mỗi lứa 2 – 5 con. Chúng nuôi con rất giỏi, hao hụt ít. Khi nuôi dúi sinh sản, nên cho chúng ăn đầy đủ và đúng khẩu phần, nhất là thời gian trước, trong và sau khi sinh.

2. Kỹ thuật nuôi dúi thương phẩm

2.1 Làm chuồng nuôi dúi

Đặc tính tự nhiên của dúi là sống trong hang, đào đất, nên chuồng nuôi không cần rộng rãi. Bạn chỉ cần làm chuồng nuôi dúi rộng khoảng 50 – 60 cm, cao ít nhất 60 cm là được.

Nền và sân chuồng nuôi dúi bạn nên tráng bằng bê tông dốc 1 – 2%, dày 8 – 10cm. Nó sẽ khiến dúi không đào hang chui ra ngoài, và thoát nước…

Xung quanh rào bằng lưới ô vuông hoặc B40, cao 1,0 – 1,5m và phía trước có cửa ra vào. Mỗi ô nuôi 1 – 2 con cần khoảng 1m. Hệ thống cống rãnh thoát nước thiết kế ở phía sau, bên ngoài chuồng.

làm chuồng nuôi dúi

Đặc biệt:

  • Chuồng nuôi dúi phải có mái che cẩn thận. Bạn không được để ánh sáng chiếu vào sẽ làm dúi bị mù hoặc dính nước mưa sẽ làm dúi chết.
  • Chuồng mới xây xong phải để một khoảng thời gian mới đưa vào nuôi nhằm đề phòng dúi liếm phải nước xi măng.

Một số lưu ý về vị trí đặt chuồng dúi:

  • Dúi thích ánh sáng tán xạ, khi chuồng nuôi nên làm nửa sáng, nửa tối. Và chúng không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt, gió lùa và nắng nóng. Bạn cần phải đảm bảo sự khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát.
  • Trong tự nhiên, dúi hay ở hang nên ta cũng có thể làm hang nhân tạo cho chúng. Bạn có thể sử dụng bằng tôn uốn cong. Hoặc bằng ống cống đường kính 30 – 40 cm và để ở ngoài sân để tiện vệ sinh.
  • Khu vực nuôi cần phải yên tĩnh. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình nuôi dúi sinh sản.

Chuồng nuôi dúi thương phẩm

Làm chuồng nuôi thương phẩm, mỗi ô rộng khoảng 2m2 trở lên. Xung quanh bạn cần xây tường cao 70cm trở lên. Và bên trong tô xi măng hoặc ốp gạch men, nền bê tông hoặc lát gạch.

Trong chuồng, đặt các ống cống nhỏ hoặc nhiều gốc cây. Số lượng phụ thuộc vào mật độ nuôi thương phẩm. Lưu ý: mật độ càng nhiều thì cần nhiều ống và nhiều loại gốc cây để chúng trú ẩn.

Chuồng nuôi dúi sinh sản

Có thể sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản. Tuy nhiên, người nuôi dúi cần phải nhận biết được khi nào con dúi cái mang thai và phải tách nó ra trước khi sinh sản.

Nếu không khi sinh sẽ bị con khác ăn con hoặc nó có thể cũng ăn con mình. Khi sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi dúi sinh sản thì người nuôi phải chấp nhận hao hụt đàn bố mẹ. Do trong quá trình nuôi chúng sẽ cắn nhau và có thể bị chết.

2.2 Thức ăn của dúi

Thức ăn của dúi phong phú và đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây… Hoặc các loại thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố… Thức ăn động vật gồm: côn trùng, ốc, giun đất…

Hướng dẫn cách cho dúi ăn mỗi ngày:

  • Dúi 2 – 3 tháng tuổi: 50 – 100g rau, củ quả; 5 – 10 g thức ăn hỗn hợp và 5 – 10g lúa, ngô, đậu các loại.
  • Dúi 3 – 6 tháng tuổi: 100 – 250g rau, củ, quả; 10 – 15 g thức ăn tổng hợp; 5 – 15g hạt thóc, đậu và 3 – 10 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
  • Dúi 6 – 9 tháng tuổi: 250 – 350g rau, củ, quả; 15 – 30 g thức ăn tổng hợp; 15 – 30g hạt các loại và 10 – 20 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
sử dụng mía làm thức ăn nuôi dúi
Mía là loại thức ăn mà dúi cực kì yêu thích. Bạn có thể tìm thấy ở khắp nơi và giá bán cũng không quá đắc – Ảnh: Internet

Có thể thay dầu dừa, dầu lạc bằng giun đất, côn trùng (kiến, mối, sâu, bọ…). Thức ăn tinh hỗn hợp có thể dùng thức ăn viên dùng cho gà, vịt 1 tháng tuổi.

Cũng có thể điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách quan sát. Nếu sau 12 giờ cho ăn thấy dúi ăn hết thì bổ sung thêm. Ngược lại, nếu thức ăn còn thừa nhiều thì nên giảm bớt những lần cho ăn sau.

Khi cho ăn đủ thức ăn rau, củ, quả tươi thì dúi không cần uống nước hoặc uống ít nước. Thức ăn còn thừa sau 12 giờ, bị úa vàng, chua, mốc phải bỏ đi nhằm phòng bệnh tiêu chảy. Giúp dúi khỏe mạnh và ít dịch bệnh.

2.3 Cách chăm sóc dúi

  • Cần phải cho dúi ăn đủ thức ăn để tránh khi đói chúng cắn nhau. Ngoài ra, cần bố trí con vật nghỉ ngơi sao cho phù hợp để hạn chế tối đa chúng cắn nhau.
  • Nếu cho dúi ăn không đủ tre, mía, thì dúi sẽ bị dài răng và thiếu nước sẽ bị chết hoặc để dúi cắn nhau không phát hiện nó cũng rất dễ bị chết.
  • Dúi giống để nuôi thường được 2 – 3 tháng tuổi, trọng lượng 1,5 – 2,0 kg/con, quen ăn các thức ăn do con người cung cấp trong điều kiện nuôi dưỡng nhân tạo.
  • Dúi thường chịu rét tốt hơn chịu nóng, nếu nóng trên 35°C, cần có quạt thông gió cho thoáng.

3. Thu hoạch

Trước khi bán thịt 30 – 40 ngày, vỗ béo cho dúi bằng cơm, tấm gạo, bắp xay 60 – 70% trộn với thức ăn đậm đặc hoặc thức ăn tinh hỗn hợp loại dùng cho gà, vịt 1 tháng tuổi 30 – 40%. Dúi tăng trọng rất nhanh và béo khỏe, có thể đạt 0,5 – 0,7 kg/tháng.

4. Câu hỏi thường gặp

Thức ăn của dúi là gì? Có cần cho dúi uống nước không?

Thức ăn yêu thích của dúi là tre, nứa, ngô, khoai và sắn… Mỗi ngày có thể cho chúng ăn từ 2 – 3 lần và bạn sẽ không cần phải cho dúi uống thêm nước đâu nhé.

Mua con giống ở đâu và giá bán như thế nào?

Bạn có thể liên hệ với các trang trại nuôi dúi để mua con giống. Với giá bán trung bình từ 800.000đ – 1.000.000đ mỗi con dúi giống.

Có thể nuôi dúi với số lượng lớn tại nhà được không?

Vì đây là loại vật nuôi có nguồn gốc từ hoan dã. Bạn cần phải xin phép kiểm lâm tại địa phương và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của con vật.

Trên đây là thông tin về cách nuôi và chăm sóc dúi thương phẩm để bán thịt. Nội dung bài viết được Nông Dân Online tổng hợp và biên soạn. Hãy truy cập website nongdanonline.com để xem nhiều bài viết hướng dẫn cách trồng trọt và chăn nuôi nhé.

5/5 - (1 đánh giá)