Trong bài viết này, NDO chia sẻ cùng bạn. Kỹ thuật trồng và chăm sóc hành hoa đạt năng suất cao. Mời bạn cùng tham khảo cách trồng nhé.
Mục lục
1. Thông tin về cây hành hoa
1.1 Đặc điểm chung
Tên tiếng Anh | Allium fistulosum L |
Tên tiếng Việt | Hành hoa |
Đặc điểm | Hành hoa là loại thân thảo, thuộc lớp một lá mầm. Hệ rễ là loại rễ chùm, phân bố chủ yếu ở tầng đất mặt. Hệ rễ kém chịu hạn, dễ bị khô héo trong quá trình vận chuyển, chúng không chịu ngập úng. Thân: Là loại thân giả, bao gồm các bẹ lá có màu trắng bao quanh thân thật đã thoái hóa. Lá: Hình ống, tròn, dài 30 – 40cm hoặc dài hơn tùy theo giống và kỹ thuật trồng trọt. Hoa: Thuộc loại hoa đầu trạng thụ phấn chéo nhờ côn trùng. Hoa có màu trắng xám, đôi khi có màu phớt tím. Quả, hạt: Quả thuộc loại quả nang, hình tròn. Hạt có màu đen, hình đa giác, vỏ hạt dày. |
Môi trường sống | Hành tỏi nói chung và cây hành hoa nói riêng ưa khí hậu ôn hòa, khả năng thích nghi với nhiệt độ rất rộng, khả năng ấy còn thay đổi bởi các loài. Ví dụ: Hành hoa chịu nhiệt hơn hành tây. Vì vậy có thể gieo trồng hành hoa nhiều vụ trong năm. Nhiệt độ thích hợp cho hành hoa sinh trưởng phát triển trong phạm vi 18 – 25°C. Hành hoa là cây ưa ánh sáng, có thể ra hoa trong điều kiện 12 – 13 giờ chiếu sáng/ngày. Cây yêu cầu đất giàu mùn, tơi, xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ thích hợp cho hành hoa. Hành hoa có thể sinh trưởng phát triển ở đất có độ pH hơi chua (5 – 5,5), tốt nhất là đất có độ pH 6 – 6,5. |
1.2 Công dụng của hành hoa
- Có thể nói hành hoa là loại rau gia vị được sử dụng rộng rãi từ Bắc vào Nam.
- Trong kinh nghiệm dân gian, hành hoa dùng để giải cảm, chữa trị họ, v.v…
- Trồng hành hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
2. Kỹ thuật trồng hành hoa
2.1 Thời vụ trồng
Hiện nay, tình hình biến đổi khí hẩu diễn biến rất phức tạp. Người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Vì vậy cần phải chủ động phòng chống. Ở những vùng, mùa vụ có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, không khí khô khi cây sinh trưởng mạnh, thường cho năng suất cao.
Thời vụ sớm gieo từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, chính vụ gieo trung tuần tháng 9, trung tuần tháng 10 và vụ xuân gieo, trồng vào tháng 1, tháng 2, ở thời vụ sớm cần có biện pháp che mưa, nắng.
Ở các tỉnh phía Nam nên gieo hạt vào mùa khô, có thể gieo hạt vào tháng 11 ở những nơi đất cao, dễ thoát nước. Thời vụ tiếp theo gieo vào tháng 12, tháng 1.
2.2 Đất trồng hành hoa
Đất trồng hành hoa nên chọn loại đất tơi xốp, có độ pH trung tính. Ví dụ như đất cát pha, đất thịt nhẹ. Sau khi cày bừa kỹ, thu gom cỏ dại thì lên luống trồng. Mặt luống rộng 1,1 – 1,2m, luống cao 15 – 20cm, rãnh rộng 25 – 30cm.
Sau đây là cách bón phân để chuẩn bị đất trồng hành hoa để bạn tham khảo:
Phân hữu cơ hoai mục | 1,5 – 2 tấn |
Phân đạm (urê) | 17 – 20kg |
Supe phốt phát | 18 – 20kg |
Clorua kali | 15-18kg / hoặc 100kg tro |
+ Phương pháp bón: Bón lót toàn bộ phân hữu cơ hoai mục, toàn bộ khối lượng phân supe phốt phát và 1/3 khối lượng phân kali. Trộn đều các loại phân kể trên vào mặt luống ở độ sâu 7 – 10cm hoặc bón vào rạch trước khi trồng.
2.3 Phương pháp trồng hành hoa
Có 2 cách gieo trồng hành hoa:
+ Trồng bằng cây đã trưởng thành
Bạn tiến hành tách các cây hành nhỏ từ khóm (bụi), cắt phần lá ở ngọn, chỉ để lại phần thân giả và một đoạn lá xanh. Sau đó đem trồng trên đất đã cầy bừa, bón phân như đối với trồng cây giống gieo từ hạt.
+ Trồng hành hoa bằng cây giống gieo từ hạt.
Trước khi gieo cần phải xử lý hạt bằng nước nóng 40 – 50°C (3 sôi 2 lạnh). Thời gian xử lý từ 10 – 12 giờ. Trong thời gian xử lý dùng que đảo hạt vài lần. Sau đó vớt hạt, rửa sạch, để róc nước rồi đem gieo vào đất đã chuẩn bị từ trước. 1m đất vườn ươm bón 2 – 3kg phân hữu cơ hoai mục. Và 25 – 30g supe phốt phát, 15g clorua kali trộn vào mặt luống trước khi gieo hạt.
Khối lượng hạt gieo cho 1m khoảng 5 – 7g. Khi gieo, rải đều hạt trên mặt đất. Sau đó dùng đất bột mịn phủ kín hạt, lấp đất dầy 1,0 – 1,5cm. Trên cùng phủ một lớp mùn rác, rơm rạ cũ.
+ Tưới nước cho vườn ươm
Sau khi gieo dùng thùng gương sen tưới cho vườn ươm, ngày 2 lần, sáng và chiều. Nếu gặp thời tiết nắng nóng thì tưới nước vào chiều muộn.
Sau khi gieo hạt 7 – 10 ngày cây mọc khỏi mặt đất, nên ngừng tưới 3 – 5 ngày để rèn luyện hệ rễ Sau đó hàng ngày tưới 1 đến 2 lần tùy theo độ ẩm đất và tình hình thời tiết.
Khi cây mọc khỏi mặt đất, cây thẳng, cứng, giống như mũi chông. Điều đó chứng tỏ chúng là những cây giống tốt. Sau khi gieo 35 – 40 ngày hoặc trên cây có 4 – 5 lá thì có thể nhổ đi trồng.
+ Khoảng cách, mật độ và độ sâu lấp đất
- Khoảng cách trồng: Hàng x cây: 20 x 15cm hoặc 15 x 15cm. Mật độ trồng khoảng 33 vạn đến 44 vạn khóm trên 1.000m2 đất trồng.
- Độ sâu lấp đất: Đặt 2 – 3 cây vào vị trí đã xác định. Dùng đất bột mịn lấp kín hệ rễ. Ấn nhẹ cho cây đứng vững và dễ dàng tiếp xúc với đất.
3. Cách chăm sóc hành hoa
3.1 Nước tưới
Sau khi trồng đến khi cây hồi xanh, dùng thùng gương sen tưới ngày 1 – 2 lần tùy theo độ ẩm đất.
Trong mùa đông, nhiệt độ thấp nên tưới lúc có ánh nắng mặt trời để bộ lá chóng khô ráo. Khi cây sinh trưởng mạnh có thể dùng phương pháp tưới rãnh. Phải dùng nước sạch để tưới cho cây.
3.2 Bón thúc
Bón thúc khi trồng hành hoa cũng giống như những cây rau khác. Bạn có thể bón phân ở dạng khô hoặc hòa tan phân bón vào nước sạch để tưới cho cây.
Đối với cây hành hoa nói riêng và cây hành tỏi nói chung. Bạn không nên bón thúc quá nhiều lần. Và cũng không lạm dụng bón phân đạm vô cơ. Bón nhiều đạm cây dễ bị nhiễm sâu bệnh hại. Bộ lá phát triển không tốt, lá biến dạng, mềm, dễ bị gẫy.
Số lần bón thúc trong suốt vụ trồng từ 3 – 4 lần. Nó tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây và tính chất đất đai. Bón quá nhiều phân đạm vô cơ sẽ dẫn đến dư lượng nitrat (NO3) quá ngưỡng cho phép. Như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt sức khỏe của người tiêu dùng.
Bón thúc vào các thời kỳ bén rễ hồi xanh, sau trồng 25 – 30, 35 – 40 ngày v.v… Nồng độ dung dịch từ 1 – 2%. Sau khi tưới thúc, dùng nước sạch để tưới rửa lá.
Nếu bón phân thúc ở dạng khô thì chia đều phân bón cho diện tích. Bạn bón vào rạch, trộn đều phân bón vào đất sau đó đưa nước vào rãnh, tưới nước để hòa tan phân bón.
3.3 Xới, vun và trừ cỏ dại
Sau khi trồng được khoảng 15 – 20 ngày dùng dầm (xén) hoặc cuốc nhỏ xăm xỉa đất giữa hai hàng và vun nhẹ đất vào gốc cây. Khi xới đất kết hợp với nhổ cỏ dại, sau đó thu gom và đưa ra khỏi ruộng hành.
3.4 Phòng trừ sâu bệnh hại
Phòng trừ sâu bệnh hại cần phải thực hành các biện pháp tổng hợp như thực hiện luân canh cây trồng. Ví dụ như không trồng hành hoa trên đất vụ trước đã trồng cây hành tỏi, bón phân cân đối và hợp lý…
Khi xuất hiện sâu bệnh hại phá hại cần thực hành theo sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn. Phải thực hiện “4 đúng” khi sử dụng thuốc hóa bảo vệ thực vật. Trước hết nên dùng thuốc sinh học để phòng trừ như vậy sẽ an toàn cho sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.
4. Câu hỏi thường gặp
Sau khi trồng được 35 – 40 ngày thì có thể thu hoạch. Khả năng đẻ nhánh của hành hoa rất lớn. Vì vậy trong quá trình chăm sóc có thể tỉa một số cây trong khóm để sử dụng hoặc thu hoạch một lần. Những cây hành này có thể dùng làm cây giống cho vụ tiếp theo.
Khi thu hoạch nắm nhẹ phần gốc kết hợp dùng dầm, rồi nhổ cây lên khỏi mặt đất, rũ nhẹ để đất rơi ra, tỉa bỏ lá vàng úa rồi bó lại thành mớ, bó tùy theo tập quán và thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu giao cho các cửa hàng ăn thì có thể bó với khối lượng 1 – 2kg. Không nên bó quá nhiều dễ làm cho cây dập nát.
5. Tổng kết
Trên đây là kỹ thuật trồng và chăm sóc hành hoa được NDO tổng hợp và biên soạn. Hãy truy cập website www.nongdanonline.com để xem cách trồng nhiều loại rau khác nhé.