Trong bài viết này, Nông Dân Online xin chia sẻ cùng với bà con nông dân. Kỹ thuật trồng và chăm sóc hành ta lấy củ năng suất cao. Cũng như tìm hiểu về qui trình thu hoạch và bảo quản hành sau sản xuất. Mời bà con cùng tham khảo nhé.
Mục lục
1. Giới thiệu về hành lá
1.1 Đặc điểm sinh học
Hành lá hây hành ta, hành tím có Tên khoa học: Asealonicum L . Đây là một loại rau thuộc họ: Hành tỏi (Alliaceae).
Hệ rễ thuộc loại rễ chùm, phân bố chủ yếu ở tầng đất mặt. Hệ rễ có khả năng chịu khô hạn nhưng không chịu ngập úng.
Thân thật của hành ta cũng đã thoái hóa như các loài khác trong họ. Thân thật rất ngắn gọi là đế giò thân giả của hành ta là những bẹ lá phình to, chứa dinh dưỡng, khi cây trưởng thành là những thân củ (củ hành).
Lá hành có hình ống, rỗng, tròn, lá dài 30 – 40cm, lá có màu xanh, mặt lá có 1 lớp sáp mỏng.
Hành ta ưa thích khí hậu mát mẻ, có khả năng chịu rét. Là cây ưa thích ánh sáng, đất đai tơi xốp, giàu mùn, độ pH trung tính từ 6 – 6,5, cũng có thể trồng hành ở đất có độ pH 5 – 5,5.

1.2 Công dụng của hành ta trong đời sống
+ Trong ẩm thực: Hành ta được dùng củ hành tím như một loại gia vị. Có thể sử dụng thân lá non, củ đã già để xào, nấu, tẩm ướp thức ăn… Trong dân gian có câu: “Một củ hành bằng một sanh thịt”, người ta cho rằng ăn thịt lợn thì phải có hành.
+ Hành già còn được dùng để muối nén, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán. Hành ta khô có khả năng chịu bảo quản rất tốt, điều này cho thấy hành ta có ưu thế hơn hẳn hành hoa.
+ Trong y học: Hành có tác dụng kích thích tiêu hóa. Trong y học cổ truyền hành được dùng để chữa trị: cảm mạo, giải độc, mụn nhọt, v.v… Trong hành tỏi có chất kháng khuẩn alixin, nên ăn hành tỏi rất có lợi để phòng ngừa cảm cúm và viêm đường hô hấp trong mùa đông.
2. Kỹ thuật trồng hành ta
2.1 Thời vụ trồng hành ta
Các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ có thể trồng hành lá sớm vào đầu tháng 9. Trồng ở thời vụ này cần chọn chân vàn cao, tiêu nước thuận lợi.
Chính vụ trồng vào trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10. Ở các tỉnh phía Nam nên trồng hành ta vào mùa khô, thời tiết mát mẻ.
2.2 Đất & Phân bón lót
Đất trồng hành lá nên thực hiện luân canh với cây trồng khác họ, tốt nhất là cây trồng nước (cây lúa nước) trước khi trồng, đất cần phải cầy bừa kỹ, tơi xốp, sạch cỏ dại.
Lên luống (liếp) trồng: Tùy theo tập quán và kinh nghiệm của mỗi địa phương, nhìn chung mặt luống rộng 1,1 – 1,2m, độ cao luống 15 – 20cm, rãnh rộng 25 – 30cm.
+ Phân bón cho 1.000m2 đất trồng như sau:
- Phân hữu cơ hoai mục: 1.5 – 2.0 tấn
- Phân đạm (urê): 13 – 15kg (Lưu ý: Không được lạm dụng phân đạm vô cơ)
- Supe phốt phát: 30 – 45kg
- Clorua kali: 15 – 20kg
+ Phương pháp bón
- Bón lót toàn bộ phân hữu cơ, phân lân và 1/3 khối lượng phân kali vào rạch hoặc vào mặt luống ở độ sâu 7 – 10cm. Nhất thiết phải trộn đều phân bón vào đất trước khi trồng. Có thể thay thế các loại phân kể trên bằng các loại phân bón: NPK tổng hợp, phân hữu cơ vi sinh, DAP,…
- Kinh nghiệm của nhân dân ở vùng trồng hành là dùng phân gia cầm hoai mục (ủ từ 5 – 6 tháng) để trồng hành tỏi rất có hiệu quả.
- Nghiêm cấm việc dùng phân tươi, phân chưa hoại hoặc nước rửa chuồng để bón, tưới cho hành ta.
2.3 Chuẩn bị củ hành giống ta
Nhìn chung hành lá không ra hoa kết hạt ở điều kiện khí hậu thời tiết của nước ta. Vì vậy trồng hành ta chủ yếu bằng củ giống.
Trước khi trồng, củ giống cần được chuẩn bị chu đáo như cắt bớt rễ, bóc vỏ ngoài, nhưng không được bóc hết vỏ lụa. Ngâm vào dung dịch Supe phốt phát 2 – 3% từ 2 – 3 giờ để kích thích rễ phát triển.
Vì trồng hành lá theo phương pháp vô tính nên chi phí về giống rất lớn. Khối lượng giống cho 1.000m2 đất trồng khoảng 40-50kg.
2.4 Phương pháp trồng hành ta
Khoảng cách hàng x khoảng cách cây: 20 x 15cm hoặc 15 x 15cm, như vậy mật độ trồng khoảng 3,3 vạn đến 4,8 vạn cây/1000m.
Khi trồng dùng ngón cái và ngón trỏ dúi củ hành vào vị trí đã xác định, độ sâu khoảng 2/3 củ. Sau đó dùng đất bột lấp kín.
Sau khi trồng dùng mùn rác hoặc rơm rạ cũ phủ kín mặt luống. Làm được như vậy sẽ có tác dụng giữ ẩm, hạn chế cỏ dại.
3. Cách chăm sóc hành lá sau khi trồng
3.1 Tưới nước
Sau khi trồng đến trước khi cây mọc dùng thùng gương sen tưới nước ngày 2 lần sáng và chiều. Trong thời gian này cũng có thể đưa nước vào rãnh ngập 1/2 độ cao luống, dùng gáo tưới giữ ẩm. Khi nước thấm đều thì tháo cạn.
Phương pháp tưới rãnh có thể thực hiện trong suốt vụ trồng. Ngừng tưới trước khi thu hoạch 3 – 4 tuần. Nhìn chung khoảng cách giữa các lần tưới từ 7 – 10 ngày, điều này còn phụ thuộc vào độ ẩm đất và thời tiết khí hậu. Không nên tưới cho hành vào chiều muộn. Phải dùng nước sạch để tưới cho cây. + Các thời kỳ cần cung cấp đủ nước: Sau trồng 35 – 40 ngày, 50 và 60 ngày.
3.2 Bón thúc, tưới thúc
Số lần bón thúc có thể thực hiện từ 3 – 4 lần vào các thời kỳ của cây. Ví dụ như: sau trồng 20 – 25, 35 – 40, 50 và 60 ngày… Bón thúc cho hành có thể kết hợp với các lần tưới nước. Chú ý cần bón đầy đủ kali vào 2 thời kỳ 50 và 60 ngày sau trồng.
Dùng nước sạch pha loãng phân bón để có nồng độ dung dịch 1 – 2%. Khi tưới thúc cho cây nên tưới giữa hai hàng hoặc tưới cách gốc từ 7 – 10cm.
Lưu ý: Khi tưới thúc tránh không cho nước phân vương lên bộ lá. Sau khi tưới thúc dùng nước sạch tưới rửa lá.
3.3 Phòng trừ sâu bệnh khi trồng hành lá
Trồng hành ta rất dễ bị bệnh khô đầu lá, sương mai… Biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cần thực hiện tổng hợp thông qua các biện pháp kỹ thuật trồng trọt như: thực hành luân canh cây trồng, bón phân cân đối, hợp lý, tưới tiêu khoa học, V.V…
Khi phòng trừ sâu bệnh hại bằng thuốc hóa bảo vệ thực vật cần tuân thủ sự hướng dẫn của các nhà sản xuất hoặc các nhà chuyên môn.
4. Thu hoạch và bảo quản củ hành ta
Sau khi trồng 120 – 130 ngày, hành ta đã già. Các lá ở gần gốc vàng úa, bộ phận trên của cây hành đã héo úa thì có thể thu hoạch.
Trước khi thu hoạch khoảng một tháng thì để ruộng khô cho cây chín già và thu gom sản phẩm thuận lợi. Năng suất trung bình 15 – 20 tấn tươi/ha.
Khi thu hoạch dùng tay nắm phần ngọn cây hành nhổ lên khỏi mặt đất. Sau đó rũ nhẹ cho đất rơi khỏi rễ. Nếu trời khô ráo thì có thể trải hành trên mặt đất cho hành se vỏ.
Buộc túm hành thành từng bó có khối lượng 1 – 2kg rồi phơi dưới nắng nhẹ cho tới khi thân lá khô, vỏ ngoài củ hành có màu nâu cánh gián thì đem bảo quản, cất trữ.
Bảo quản hành ở nơi cao ráo, thoáng khí, mát mẻ. Kinh nghiệm của người trồng hành trong bảo quản là treo hành ở những nơi có khói bếp.

5. Câu hỏi thường gặp
Để phòng trừ sâu xanh da láng, ruồi đục lá dùng thuốc: Regent 800 WG, Buldock 025 EC hoặc Decis Repel 2,5 EC.
Phòng trừ bọ trĩ, nhện trắng dùng Confidor 100 SL hoặc Confidor 700 WG, Admire 200 OTEQ.
Để phòng trừ các bệnh đốm khô lá hành, bệnh mốc xám, thán thư dùng Nativo 750 WG, Antracol 70 WP hoặc Rovral 50 WP khi bệnh mới xuất hiện.
Trên đây là kỹ thuật trồng và chăm sóc hành lấy củ với năng suất cao. Nội dung bài đăng được Nông Dân Online tổng hợp và biên soạn. Hãy thường xuyên truy cập nongdanonline.com để xem thêm cách trồng nhiều loại rau củ khác nhé.